Apax Leaders Việt Nam | Tin tức Và Sự Kiện | Sự hình thành của ESL – English as a second language
19 12 / 2018

Sự hình thành của ESL – English as a second language

Một khái niệm vẫn còn xa lạ với người Việt Nam chính là ESL – Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Đây là một khái niệm tương đối mới, nhưng cũng không hoàn toàn khó hiểu nếu chúng ta soi chiếu nó trong toàn bộ quá trình phát triển của ESL từ lúc mới hình thành, biến thể cho đến chương trình ESL mà Apax đang áp dụng.

Bài viết bên dưới sẽ tổng hợp lại sự hình thành của ESL tại Anh và Mỹ. Để người đọc tham khảo và có cái nhìn rõ nét hơn về ESL – Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.


Sơ khởi ESL – English as second language là một chương trình tiếng Anh dành cho trẻ em nhập cư ở Anh và Mỹ. Thập niên 50 sau chiến tranh thế giới thứ 2, làn sóng di cư tăng mạnh và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Các quốc gia phát triển đứng trước một lựa chọn mới: dung nạp người nhập cư vào văn hóa nước mình hay để mặc họ sinh tồn, như lịch sử di cư hàng ngàn năm đã vậy.

Nhân bản và con người là những chủ đề được quan tâm đầu tiên sau chiến tranh thế giới thứ 2. ESL, từ một chương trình dạy tiếng Anh đã vượt qua cả ý nghĩa của riêng mình, trở thành nơi kết nối và hàn gắn, giúp người nhập cư hòa nhập tốt hơn vào xã hội phương tây.

Trẻ nhập cư đa số không sinh ra trong các gia đình nói tiếng Anh, không có cha mẹ là người bản xứ nên gặp vấn đề trong hội nhập. Không chỉ vì trình độ ngoại ngữ không cho phép mà còn vì rào cản tâm lý và cảm giác mình là minority – người thiểu số (không biết nói tiếng Anh, có một nền tảng văn hóa khác) trong cộng đồng.

"Ban đầu, các vấn đề của trẻ em thuộc sắc tộc thiểu số được coi là vấn đề riêng biệt của ngôn ngữ, nhưng dần dần người ta nhận ra rằng việc học ngôn ngữ không thể tách rời khỏi các vấn đề rộng lớn hơn như bản chất của một xã hội đa văn hóa và cách trẻ hòa nhập vào xã hội này”.

Trích dẫn từ tham luận của Rod Ellis – Chính sách và cách tổ chức ESL trong trường học – đã nói lên vấn đề mà các nhà giáo dục phải đối mặt khi đưa ESL vào giảng dạy, khi họ nhận ra vấn đề của trẻ em nhập cư lớn hơn vấn đề của ngôn ngữ nhiều lần.


Trẻ nhập cư vào các nước phát triển, đa số sống ở các khu ổ chuột hoặc tồn tại trong môi trường thiểu số mà cha mẹ chúng đang sống. Đó là các cộng đồng người Á, người Phi, người Ả rập, Ấn Độ… Đến lớp trẻ có thể nói tiếng Anh nhưng về nhà, bố mẹ, anh chị em, những người xung quanh chỉ nói ngôn ngữ mẹ đẻ của họ (tiếng Trung, tiếng Ấn, tiếng Ả rập, tiếng Việt…). Trẻ bị lẫn lộn giữa hai ngôn ngữ, hai môi trường văn hóa khác nhau mà không định hình được mình phải đứng ở đâu mới là đúng đắn.

Trẻ bước vào một xã hội nói tiếng Anh nhưng không có nền tảng tiếng Anh. Nhiều bố mẹ tuy là người nhập cư nhưng cũng không biết tiếng Anh, họ không muốn con mình nói tiếng Anh ở nhà. Rào cản tâm lý thứ hai nằm ở chính xã hội trẻ đang sống. Không nói được tiếng Anh khiến trẻ tự ti, sợ nói sai, sợ bị khinh thường. Trong khi kỳ thị chủng tộc vẫn luôn tồn tại, không chỉ từ những em bé da trắng mà đau lòng hơn, là từ chính thầy cô.

ESL – Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai – với tiêu chí ban đầu là một chương trình bắc cầu giúp trẻ học ngôn ngữ thật tốt trước khi hòa nhập đã phải gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề hơn - không còn là một lớp học tiếng, bổ sung kiến thức cho đuổi kịp với người bản xứ mà còn là một lớp học để hàn gắn lại nỗi đau, vượt qua cú sốc văn hóa và giúp trẻ nhận ra mình không phải một người dị biệt, mà như tất cả mọi người, có quyền công dân như mọi trẻ em khác.


1. Về chương trình:

ESL chú trọng đến việc dạy ngôn ngữ cho học sinh như dạy trẻ em Mỹ ở giai đoạn ban đầu. Do bản thân các giáo viên Anh-Mỹ cũng chưa có kinh nghiệm dạy người nước ngoài trước đó. Dần dà, nó cũng trở thành phương thức tiếp cận chính của giáo dục ESL cho trẻ em sau này, vì đó là cách tiếp cận trực tiếp nhất. Dạy tiếng Anh cho một em bé để đảm bảo kết quả tốt nhất là nên dạy từ trang giấy trắng đầu tiên.

Chương trình ESL phân bổ cho mọi lứa tuổi. Với trẻ chưa đi học, có chương trình mẫu giáo dành riêng cho trẻ nhập cư và khi các bé đã đủ trình độ có thể vào thẳng các trường tiểu học, học cùng trẻ em bản xứ.

Ở cấp cao hơn, ESL được tổ chức theo nhiều dạng thức, sơ đồ bên dưới, sẽ mô tả kỹ hơn về các dạng thức của ESL

Có hai dạng thức phổ biến của ESL: bên trong trường học và bên ngoài trường học.

Bên trong trường học bao gồm cả các lớp học ESL cả ngày hoặc nửa ngày, các lớp phát triển kỹ năng riêng lẻ và hỗ trợ ngay trong giờ (Tandem-teaching) – nghĩa là thầy cô ESL tham dự cùng học sinh ngay trong giờ học chính để hỗ trợ các em những phần chưa hiểu.

Bên ngoài trường học là các trung tâm dạy tiếng Anh (English centre), nơi người mới bắt đầu có thể theo học. Vì với trình độ bắt đầu – beginner – trẻ chưa thể tham dự vào môi trường phổ thông Anh - Mỹ ngay.

Với cấu trúc được phân chia nhiều cấp độ như vậy, các lớp học ESL cung cấp đáp ứng được mọi nhu cầu của học sinh. Và chương trình, luôn được tương thích với chương trình ngữ văn.

2. Về giáo viên:

Giáo viên ESL rất đa dạng. Họ là những giáo viên bản xứ hoặc thậm chí những thầy cô cũng có xuất thân nhập cư để học sinh không có cảm giác "tách biệt”, xa lạ văn hóa với người đứng lớp. Càng ngày, trong vấn đề con người, ESL càng chú trọng những giáo viên có tầm nhìn mở, có cái nhìn đa chiều, tránh thái độ phân biệt chủng tộc và thái độ cực đoan với học viên.

Giáo viên ESL phải vượt qua một chương trình học dành riêng cho việc giảng dạy ESL. Để tìm hiểu kỹ hơn, mời các bạn tham khảo bài viết – Để làm được một giáo viên dạy ESL.

3. Về vấn đề tôn trọng, và dung nhập văn hóa:

Lịch sử nhập cư của nhiều quốc gia là một lịch sử hỗn loạn và đau thương, như trường hợp người da màu nhập cư vào Mỹ, người Israel quay lại Palestine hay người Ả rập ở Pháp… Khi đa dạng văn hóa không được tôn trọng thì phân biệt chủng tộc là điều hoàn toàn có thể diễn ra. Luật pháp có thể ra những điều luật cấm phân biệt chủng tộc nhưng nếu suy nghĩ ấy vẫn ở trong mỗi người thì trong những trường hợp cụ thể, luật pháp cũng khó có thể thực thi.

"Một nền giáo dục đa văn hóa là nền giáo dục không chỉ cần thiết trong các trường có học sinh đến từ nhiều vùng văn hóa mà phải cho tất cả học sinh” – Rod Ellis – Chính sách và cách tổ chức ESL trong trường học.

Giáo dục tôn trọng đa văn hóa là nền giáo dục mà người Anh và người Mỹ phải phát triển cho tất cả học sinh của mình. Trong nội bộ của chương trình ESL – cái người Mỹ dạy cho các học sinh nhập cư của họ là thái độ tôn trọng bản thân, sự tự tin, niềm tin tưởng, thế giới sẽ luôn tiếp nhận bạn vì bạn là một phần của thế giới, bình đẳng như mọi người khác.

Văn minh phương Tây không chỉ đến từ các trường đại học, các lớp học phổ thông. Mà nó bắt đầu ngay từ ESL – chương trình Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai – khóa học đầu tiên mà mọi người nhập cư khi đến Anh và Mỹ đều có thể bắt đầu.

(NGUỒN: APAX LEADERS)
Chia sẻ
trở về
Tin tức liên quan
Để làm được một giáo viên dạy ESL
02 01 / 2019

Để làm được một giáo viên dạy ESL

Ứng dụng của ESL - Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai
02 01 / 2019

Ứng dụng của ESL - Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai

Chương trình ESL của Chungdahm và sự tương thích ở Việt Nam
02 01 / 2019

Chương trình ESL của Chungdahm và sự tương thích ở Việt Nam